Lịch sử Pleiku

Tên gọi

Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 4 tháng 7 năm 1905, "Plei-Kou" đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr".Phân tích cách viết tên "Plei-Kou-Derr", tên "Pleiku" ngày nay thoát thai từ "Plei-Kou". Còn "Derr" là một yếu tố của từ tiếng Jarai. Cái tên "Plei-Kou-Derr" có thể là từ "Plơi Kơdưr" được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.

"Plơi" tiếng Jarai nghĩa là "làng". Còn "Kơdưr" có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là "hướng Bắc", nghĩa thứ hai là "trên cao". Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jarai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jarai. Như vậy, "Plơi Kơdưr" nghĩa là "làng Bắc" hoặc "làng thượng" (trên cao). Về việc phiên tự "Kơ" thành "Kou" có thể là do lúc đó chưa có ký tự "ơ" như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự "ou" để đọc là "ơ". Còn "Dưr" được viết thành "Derr" có thể là do lúc đó chưa có ký tự "ư" nên viết thành "e".Cái tên "Plei-Kou-Derr" có thể là từ tiềng Jrai "Plơi Kơdưr Chư Hdrông" trong tiếng Jrai có nghĩa là "Những ngôi làng phía bắc núi Chư Hdrông" (tức Núi Hàm Rồng), có lẽ ám chỉ khu vực sinh sống của người Jarai nhóm Jrai Hdrông và Jarai A-ráp xung quanh núi lửa đã tắt Chư Hdrông, được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp thành "Plei-Kou-Derr" sau này Chính quyền VNCH gọi là PLEIKU.

Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 24 tháng 5 năm 1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.[4]

Lịch sử hành chính

Ngày 3 tháng 12 năm 1929, theo Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ, thị xã Pleiku đã được thành lập. Gần 3 năm sau đó, ngày 24 tháng 5 năm 1932 và ngày 4 tháng 3 năm 1933, Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc đại lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku.

Ngày 27 tháng 7 năm 1953, Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều Cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Ban Mê Thuột, Kon Tum đều là thị trấn.

Sau Hiệp định Genève (1954), chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên.

Ngày 26 tháng 1 năm 1957, Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị trấn Pleiku trở thành xã Pleiku.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương - Hội Phú thuộc quận Lệ Trung[cần dẫn nguồn]. Từ năm 1962, chính quyền mới quy hoạch mở rộng thị xã này.

Như vậy trong hơn 40 năm (1932-1975) dưới thời thuộc Pháp cũng như Việt Nam Cộng hòa, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku.

Sau tháng 3 năm 1975, Pleiku là tên thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai (trước và sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, và tỉnh Gia Lai - Kon Tum (trong thời gian nhập tỉnh 1976-1991).

Sau năm 1975, thị xã Pleiku có 6 phường: Diên Hồng, Hoa Lư, Hội Phú, Hội Thương, Thống Nhất, Yên Đỗ và 6 xã: An Phú, Biển Hồ, Gào, Hòa Phú, Tân Bình, Trà Bá.

Ngày 17 tháng 8 năm 1981, theo Nghị quyết 30-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng thành lập 2 xã Trà ĐaDiên Phú; chuyển xã Tân Bình về huyện Mang Yang quản lý; chuyển xã Hòa Phú về huyện Chư Păh quản lý; chuyển 2 xã Chư ÁChư Jôr thuộc huyện Mang Yang về thị xã Pleiku quản lý.[5]

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Gia Lai từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, thị xã Pleiku trở lại là tỉnh lị tỉnh Gia Lai.[6]

Ngày 11 tháng 11 năm 1996, theo Nghị định số 70/CP của Chính phủ chia xã Chư Jôr thành 2 xã: Chư Jôr và Tân Sơn; thành lập xã Nghĩa Hưng trên cơ sở 2.550 ha diện tích tự nhiên và 4.069 nhân khẩu của xã Biền Hồ thuộc thị xã Pleiku; 261,7 ha diện tích tự nhiên và 809 nhân khẩu của xã Ia Sao thuộc huyện Chư Păh; chuyển 2 xã Chư Jôr và Nghĩa Hưng về huyện Chư Păh quản lý.[7]

Ngày 12 tháng 3 năm 1998, thị xã Pleiku được công nhận là đô thị loại III.

Ngày 24 tháng 4 năm 1999, theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP của Chính phủ, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai.[8]

Ngày 11 tháng 8 năm 1999, theo Nghị định 70/1999/NĐ-CP của Chính phủ thành lập phường Tây Sơn trên cơ sở điều chỉnh 154,33 ha diện tích tự nhiên và 10.112 nhân khẩu của phường Hoa Lư; thành lập phường Ia Kring trên cơ sở điều chỉnh 669,72 ha diện tích tự nhiên và 10.270 nhân khẩu của phường Diên Hồng.[9]

Ngày 9 tháng 11 năm 2000, theo Nghị định 67/2000/NĐ-CP của Chính phủ thành lập phường Yên Thế trên cơ sở điều chỉnh 1.187 ha diện tích tự nhiên và 12.916 nhân khẩu của xã Biển Hồ; xã Trà Bá được tách thành phường Trà Bá và xã Chư HDrông.[10]

Ngày 13 tháng 5 năm 2002, theo Nghị định 54/2002/NĐ-CP của Chính phủ chuyển xã Ia Kênh thuộc huyện Ia Grai về thành phố Pleiku quản lý.[11]

Ngày 15 tháng 9 năm 2006, theo Nghị định 98/2006/NĐ-CP của Chính phủ thành lập phường Thắng Lợi trên cơ sở điều chỉnh 706,33 ha diện tích tự nhiên và 7.967 nhân khẩu của xã Chư Á.[12]

Ngày 17 tháng 4 năm 2008, theo Nghị định 46/2008/NĐ-CP của Chính phủ thành lập phường Đống Đa trên cơ sở điều chỉnh 402,43 ha diện tích tự nhiên và 6.068 nhân khẩu của phường Thống Nhất; thành lập phường Chi Lăng trên cơ sở điều chỉnh 1.245,37 ha diện tích tự nhiên và 7.330 nhân khẩu của xã Chư HDrông; thành lập phường Phù Đổng trên cơ sở điều chỉnh 103,31 ha diện tích tự nhiên và 6.175 nhân khẩu của phường Hội Phú; điều chỉnh 349,87 ha diện tích tự nhiên và 7.927 nhân khẩu của phường Trà Bá.[13]

Ngày 25 tháng 2 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại II.[14]

Ngày 10 tháng 1 năm 2020, theo Nghị quyết 859/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáp nhập xã Chư HDrông vào phường Chi Lăng.[15]

Thành phố Pleiku có 14 phường và 8 xã như hiện nay.

Ngày 22 tháng 1 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pleiku //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.baogialai.com.vn/channel/1763/201104/Tr... http://pleiku.gialai.gov.vn/ http://mic.gov.vn/uploads/20100623/E124-2009%20(31... http://ibst.vn/DATA/nhyen/QCVN%2002-2009%20BXD%20S... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d...